“Quay qua trái chút xíu. Chưa trong ba ơi, qua phải chút xíu đi!” Đó là những câu nói quen thuộc thân thương ngày trước…
Đi trên đường bây giờ, người ta không còn nhìn thấy những “cây ăng ten” bắt sóng tivi trên nóc nhà như chỉ cách đây hơn chục năm về trước. Bỗng giật mình nhận ra, có những thứ tưởng chừng như gắn bó mãi mãi với cuộc sống đã thực sự không còn.
Thời gian thay đổi nhiều quá, nhiều thứ mới mẻ được tạo ra và cũng nhiều thứ dần biến mất. Nhưng khác với những điều mới mẻ, dễ dàng được phát hiện, thì có những thứ cứ lặng lẽ biến mất từng ngày. Những thứ đã một thời gắn bó như là một phần của cuộc sống.
Rồi thắc mắc không biết ta đã rời khỏi những điều gần gũi ấy, từ khi nào, mà ta chẳng biết?…
Và bây giờ, nhà nào cũng có cáp, có mạng, với phẩm chất và hình ảnh ổn định rất đẹp. Nhưng có ai còn nhớ những năm 80 của thế kỷ trước với những “cột thu sóng” bằng những chiếc ăng ten râu, ăng ten giàn buộc vào thân cây tre, dựng trên nóc nhà? Có khi làm bằng thanh nhôm, thậm chí là niềng xe cũng được tận dụng tuốt.
Chỉ cách đây chưa đầy chục năm, vẫn thấy trên nóc nhà thỉnh thoảng vẫn còn những “trạm” ăng ten xiêu vẹo… Thậm chí, ngày xưa khi xây nhà, người ta bao giờ cũng phải thiết kế thêm một cái cột để dựng ăng ten, như một phần trong cấu trúc ngôi nhà vậy.
Nhớ lúc nhỏ, nhà nghèo không có tivi, chị em tôi phải chạy sang nhà hàng xóm xem. Mỗi lần nhà đài mất sóng hoặc đài mình muốn xem chớp chớp, thì tôi tình nguyện chạy ra hè xoay cây ăng-ten để lấy sóng. Tôi nhớ hồi đó nhà nào có tivi đều gắn ăng ten. Ăng-ten được cố định trên cây tre cao cả chục mét.
Hồi đó câu hỏi mà hầu hết những đứa trẻ được phân công xoay ăng-ten như chúng tôi đều sử dụng là ‘trong chưa, trong chưa?’. Câu hỏi không có chủ ngữ nhưng đầy đủ ý nghĩa.
Rồi có khi mất điện cả xóm lại kéo sang nhà bác Ba xem tivi vì nhà này có tivi đen trắng xem được bằng bình ắc quy. Hai cha con bác loay hoay, cha thì đấu điện con thì xoay cái ăng ten bằng niềng xe đạp chỉ để phục vụ bà con.
Có nhà do khoảng cách từ cột ăng ten tới tivi khá xa nên mỗi khi “triển khai” kỹ thuật điều chỉnh sóng thì phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ 3 người trở lên, nào là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu…
Chuyện “đi coi” tivi ngày trước
Nghĩ cũng lạ, bây giờ ai cũng nói là “ngồi coi tivi” chứ chẳng ai nói “đi coi tivi” như ngày trước. Nhưng chuyện đi coi tivi gần như là một nhu cầu “giải trí” không thể thiếu thuở đó.
Có lần về Nội tuốt miền xa vào dịp Tết mà nhà Nội lại chẳng có tivi. Chị em tôi phải đánh đuốc đi xa cả cây số lên xóm trên “coi cọp”. Đuốc làm bằng cỏ khô, rơm hay có khi là lá dừa nước… nói chung cái gì dễ cháy là làm được đuốc cả.
Có ai đốt đuốc đi đêm rồi mới biết cái khổ của tàn đuốc bay khắp mặt mũi, có khi tàn chưa kịp nguội sẽ gây phỏng là lẽ thường. Mấy chị em tôi ốm tong teo chứ mỗi khi đi là phải ôm cả 5-6 bó đuốc rất khổ sở, chưa kể là phải ôm cho đủ đuốc cho chuyến đi 2 chiều. Ngán ngẫm lắm.
Cực là cực vậy nhưng mà được cái vui bởi nhà nào mà có tivi thì y như rằng sẽ đông như “gánh hát”… nào trẻ con, người lớn, buôn bán đủ thứ, ồn ào không thể tả. Ấy vậy mà tới khi chương trình bắt đầu thì ai nấy cũng trật tự, giữ yên lặng rất là quy củ chẳng khác nào là cái đội quân thu nhỏ. Hình như đó trở thành một cái văn hoá lúc nào không ai biết, văn hoá “xem tivi” chăng?
Được cái tivi thời đó không có nhiều quảng cáo như bây giờ, thành thử mỗi lần “quảng cáo lên” là mấy ông lớn, bà lớn tranh thủ đi vệ sinh hay cho con bú, còn tụi nhỏ chúng tôi thì tập trung coi quảng cáo. Đám con nít tôi mê quảng cáo lắm, hôm nào có quảng cáo mới là vui không thể tả, cố gắng học thuộc lòng quảng cáo nhanh nhất có thể.
Có hôm mưa bão, gia chủ phải đội nón đứng vịn cây ăng-ten để bà con an tâm mà thưởng thức, thấy cưng lắm.
Dần dần rồi nhà nào cũng có tivi, ăng-ten trên nóc nhà cứ thế mà chằng chịt cả bầu trời, có nhà còn có cả mấy cột ăng-ten để phục vụ nhiều nhu cầu riêng của các thành viên trong gia đình. Bởi có người thích coi đài A thì quay hướng Đông-Nam, có người thích coi đài B thì xoay ăng-ten theo hướng chánh Nam. Dạo ấy ăng-ten nhiều vô kể, nhiều đến độ mấy con chim chẳng buồn làm tổ trên cây như thông lệ mà cứ đè mấy cây ăng-ten ra mà xây tổ, đẻ trứng vào đấy. Nhờ vậy mà có khi gia chủ có trứng ăn đỡ ghiền.
Và rồi chiếc ăng ten, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, và biến mất như một điều tất yếu.
Công nghệ đã giúp cuộc sống của chúng ta trở nên thoải mái, dễ dàng hơn, nhưng những giá trị về mặt tình cảm của thời đại mà người ta gọi là analog chắc bây giờ khó có thể so sánh. Cảm xúc khi nhận điện thư từ người yêu làm sao bì được khi cầm trên tay những bức thư còn mùi thơm của giấy và lem luốc của bút mực?
Đường sá hôm nay đã đẹp hơn rất nhiều, lề đường đã rộng rãi, phẳng phiu hơn; đã không còn những mái nhà với cột ăng ten ngả nghiêng theo từng cơn gió nhưng vẫn còn đây lắm tình cảm thân thương và hoài niệm về chiếc ăng ten một thuở./.