Proud to be Vietnamese

Category: Uncategorized

  • Thư mùa đại dịch!

    Thư mùa đại dịch!

    Gửi Khả Đan!

    Hôm nay là ngày con tròn 1 tháng tuổi, ngày mà trong văn hóa Việt mọi người rất hân hoan để được cùng nhau sum vầy chào đón thành viên mới. Nhưng với con thì lại trái ngược hẳn.

    Mọi người đang rất e dè tiếp xúc nhau; đường sá vắng tanh không một bóng người, sự sống đang rất mong manh trên mỗi kiếp người khi mà cả thế giới đang phải vật lộn với một đại dịch; một chủng vi khuẩn không có thuốc trị. Hiển nhiên buổi đầy tháng cho con cũng không thể tổ chức được.

    Thế hệ ba mẹ sinh ra trong một thời kỳ khó khăn-thiếu thốn của cả dân tộc; rồi trưởng thành trong sự suy thoái kinh tế toàn cầu và giờ là đang phải lo sợ-hy vọng trong một thế giới hoảng loạn vì bệnh tật.

    Sự sống và cái chết lúc này không có ranh giới; bệnh tật không có sự thương tiếc hay ngoại lệ với bất kỳ ai có chăng chỉ là sự né tránh-lo sợ của con người và sự rình rập-bất chợt của dịch bệnh. Không ai dám nói trước về viễn cảnh tương lai; người ta ngại ra đường, ngại gặp gỡ nhau và chẳng ai đủ bản lĩnh để đón nhận cái chết cả… Có người tuyệt vọng, có người đang phải vật lộn với sự sống lụi tàn v.v…

    Chúng ta cũng không biết được

    Nói như vậy để con hiểu được rằng con sinh ra trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: gia đình mình còn cách xa; dịch bệnh đang hoành hành và chúng ta cũng không biết được những gì sẽ diễn ra sắp tới:

    – Nếu nói về việc đoàn tụ thì ba cũng không biết được khi nào sẽ gặp được mẹ và con, từ lúc con chào đời đến giờ ba cũng chưa một lần được bồng, được nắm tay con; và tình cảnh này sẽ còn kéo dài chưa biết được.

    – Nếu nói về lạc quan thì ai dám chắc được mình có thể tồn tại được bao lâu khi mà mỗi một ngày trôi qua là hàng ngàn người xung quanh mình đang ngã xuống trong đau đớn và tuyệt vọng; tiền bạc và địa vị cũng không thể giải quyết được gì cho sinh mạng chúng ta cả. Chưa biết, chưa biết được…

    – Và nói về sự hy vọng thì có lẽ trong thâm tâm ba-mẹ giờ đây chỉ mong duy nhất một điều là con được an toàn trong tình cảnh bất an; khỏe mạnh trong thời kỳ yếu đuối nhất của loài người.

    Cuộc sống không cho chúng ta chọn nơi được sinh ra, nghề nghiệp cũng không phải ai muốn làm là được, sự tồn tại và khỏe mạnh của một con người cũng nằm hoàn toàn trong sự quyết định của số phận mà thôi…

    Mong lắm một ngày không xa ba mẹ có thể cùng ngồi bên nhau và dạy con cách đánh vần; cách đọc lá thư này một cách trôi chảy và mãn nguyện.

    Yêu hai mẹ con nhiều lắm!

    Fort Worth 04/04/2020

  • Thư gửi Con!

    Thư gửi Con!

    Gửi Con của ba!

    Ba cũng chưa biết phải gọi Con bằng tên gì? vì hiện giờ trong đầu của Ba Mẹ ấp ủ và boăn khoăn rất nhiều cái tên để đặt cho Con. Lo rằng tên này chưa hay, sợ rằng tên kia Con không thích… vì Con biết đó lúc này đây Con vẫn chỉ mới có 14 tuần tuổi, vẫn còn “sơ khai” lắm trong bụng Mẹ. Nhưng Ba Mẹ biết rằng Con thực sự đã cảm nhận được mọi thứ, nghe được những gì Ba Mẹ trò chuyện cùng nhau… giống như những gì Ba Mẹ đang cảm nhận và hy vọng về Con vậy!

    Con là Con Trai hay Con Gái thì Ba Mẹ cũng không lắm bận tâm vì nếu Con là một cô bé thì Ba Mẹ sẽ tặng cho Con thật nhiều đồ trang điểm như: Ruy-Băng (Ribbon) cài tóc, áo đầm, nơ hay thậm chí là những bộ Soirée để Con tha hồ làm Công chúa trong thế giới của Con. Nhưng nếu Con là Con trai thì Con cũng sẽ có nhiều cơ hội để trở thành siêu nhân với những bộ quần áo supper men hay những khẩu súng điện quang tháo lắp vô cùng cầu kỳ, phức tạp Con nhé.

    Có thể Con sẽ hỏi Ba Mẹ rằng vì sao Ba Mẹ lại biết trước sở thích của Con đến vậy? Thực ra Ba Mẹ cũng không có tài phép gì để có thể đọc được suy nghĩ của Con đâu, chỉ là Ba Mẹ cũng từng trải qua cái tuổi của Con, cũng từng có những đam mê và mong mỏi những thứ mà Con đang cho là “khát vọng” đấy Con ạ.

    Nhưng chúng ta khác nhau ở chỗ là tuổi thơ của Ba Mẹ trước kia không thể bì với của Con bây giờ được khi mà Ba Mẹ đã trải qua ấu thơ mình tại những vùng quê thiếu thốn của một đất nước nghèo đói và bất công. Ba Con nhớ rất rõ là tài sản lớn nhất của Ba khi lên 7 là chiếc xe điều khiển chạy bằng pin bé xí xi. Còn lại các món đồ chơi nếu không là những thanh kiếm được bó lại bằng dây thun thì cũng chỉ là cây ná, Con diều được kết bằng tờ báo cũ mà thôi… Nên nếu Con thực sự có được cuộc sống không phải vất vả tự tay làm từng món đồ chơi thô sơ cho chính mình thì hãy nhớ đến Việt Nam, nơi quê hương của Ba Mẹ vẫn còn đấy rất nhiều rất nhiều người không được may mắn như thế Con nhé.

    Ba Mẹ sẽ ráng chăm sóc Con cho Con có đủ sức khỏe trong học tập và vận động để Con trở thành một công dân có ích và sống chan hòa với mọi người, nếu Chúa ban cho Con những ân tứ gì đó vượt trội thì có dịp Con hãy dùng nó để giúp mọi người Con nhé. Ba Mẹ cũng không dám mơ Con có sức khỏe phi thường chỉ cần Con lành lặn là đủ, như vậy Con cũng đã may mắn hơn hàng triệu người rồi đó phải không Con?.

    Nếu Con hỏi Ba Mẹ rằng muốn Con theo đuổi công việc gì cho tương lai thì quả thật Ba Mẹ cũng không mong Con làm gì to tát cả, hãy làm những gì Con cho là đam mê và cứ tận sức vì nó miễn là công việc đó cho Con nhiều niềm vui và trang trải được cuộc sống, đừng là những công việc tội lỗi phi pháp thì đó là điều phước hạnh nhất đối với Ba Mẹ rồi Con ạ.

    Ba Mẹ trải qua rất nhiều công việc tại quê hương mình từ những công việc tay chân vất vả cho đến những lúc ngồi thảnh thơi trong phòng máy lạnh, cũng không dưới 10 nghề Ba phải thay đổi liên tục. Tất cả chỉ là vì cuộc sống. Ở cái thế giới của Ba Mẹ hai chữ “cuộc sống” nó không đơn giản như “cuộc sống” tại U.S này. Cuộc sống ở đấy là sợ hãi đó Con. Nếu một ngày trong đầu Ba Mẹ không sợ mình nghèo đói thì cũng sợ gặp phải tai họa xe cộ, có lúc sợ gặp phải kẻ cướp, sợ cháy nổ, sợ mọi thứ… Có lẽ nói đến mấy Con cũng khó mà hiểu hết được nhưng nếu Con có thể ung dung đi giữa trung tâm thành phố Dallas với chiếc mobile trên tay mà không lo lắng điều gì thì thực sự Con đã hạnh phúc lắm rồi, điều mà tưởng chừng như đơn giản ấy lại vô cùng khó khăn với hàng triệu người khác.

    Nếu Con của Ba Mẹ có được những công việc cho dù là tạm bợ hay vất vả có thiếu trước hụt sau trong cuộc sống thì Con đừng chán nản Con nhe, hãy tin rằng đó đều là những thứ mà Con phải nhận lấy thử thách để trưởng thành hơn. Ba Mẹ sẽ luôn cầu nguyện và Chúa sẽ luôn soi dẫn cho Con, hãy lấy những khó khăn đó làm động lực để phấn đấu có như vậy tâm trí Con sẽ được mở mang sự khôn ngoan sẽ đến với Con rất nhanh thôi. Con biết không? Có những mảnh đời thậm chí họ còn không biết đến trường học là gì. Họ cũng khát khao lắm chứ nhưng chỉ có thể đứng nhìn những bạn trang lứa qua khe cửa sổ để rồi sau đó vội vã rong đuổi với thời gian cùng xấp vé số dày cộp cho kịp buổi cơm chiều.

    Ba Mẹ mong lắm đến ngày cùng chào đón Con vượt qua những thử thách đầu đời, ngày Con tiếp nhận một thế giới bao la và mới lạ. Nhưng Con cũng đừng quá lo lắng vì Ba Mẹ luôn sát cánh cùng Con và sẽ giúp Con từng bước hoà nhập với thế giới lạ lẫm này… Ba sẽ tập cho Con từng thói quen đầu đời cũng như là Mẹ sẽ hát và kể cho Con nghe nhiều câu chuyện cổ tích hằng đêm mà Ba biết chắc rằng Con sẽ phấn khởi lắm… hay những lúc rỗi rảnh Ba sẽ chỉ Con cách lật, cách trườn và nhiều thứ hay ho nữa, Con cứ an tâm nhé.

    Ba cũng không cho con được niềm tự hào gì cả, vì trên đất Mỹ này ba là kẻ thất bại toàn diện. Ở Việt Nam Ba có thể làm được nhiều thứ nhưng có là gì khi ở một nước Mỹ hùng mạnh và to lớn vầy chứ phải không con? Ba chẳng qua cũng chỉ là kẻ nương nhờ và may mắn là được họ dang tay chào đón. Ba thất bại và Ba chấp nhận điều đó. Những ngày đầu ngây ngô trên xứ người Ba không cảm thấy tủi hổ gì khi phải nhận những công việc mà trước kia có thể Ba không bao giờ nhận, cũng có khi Ba phải đối mặt với những câu nói khinh miệt và hằn học trái ngược với sự kính nể và tôn nghiêm mà Ba đã từng có trước kia.

    Nói như vậy không phải Ba trở nên hèn hạ hay bạc nhược đến vậy, chỉ là Ba biết Ba phải tận sức hơn cho một tương lai tốt đẹp về sau. Ba đánh đổi nhiều thứ để có mặt trên xứ này nên điều Ba không thể đánh mất được nữa đó chính là cuộc sống và tương lai của Con mà thôi. Có thể Con không thể tự hào về Ba nhưng cũng đừng quá thất vọng vì điều đó nha Con.

    Ba viết cho Con những dòng này khi mà gia đình chúng ta vẫn còn xa cách lắm Con biết không? Mẹ và Con vẫn còn cách xa Ba cả chục ngàn dặm mà giờ giấc thì trái ngược nhau hẳn, khó khăn và mong mỏi nhiều thứ lắm. Nhưng Ba tin rằng ngày đoàn tụ của gia đình mình cũng không còn xa lúc đấy Con chắc cũng đã biết đi chập chững để chạy lại và dành cho Ba cái ôm đầu tiên trong đời quý giá và trìu mến.

    Yêu hai Mẹ Con lắm!!!

    August 12, 2019 in Fort Worth, Texas

  • Khả Đan & Nhã Vi

    Khả Đan & Nhã Vi

    Phạm – 笵 “khuôn mẫu”, “gương mẫu”, “phép tắc”
    Tường – 祥 lành; cát lợi; tốt lành; may mắn
    Khả – 可 khả kính, đáng quý
    Đan – 丹 lòng thành

    Tên tiếng Anh là Daniel: Tên Daniel xuất phát từ tiếng Hebrew “Daniyyel”. Ý nghĩa của tên này là “Thiên Chúa là thẩm phán của tôi”.

    Phạm – 笵 “khuôn mẫu”, “gương mẫu”, “phép tắc”
    Tường – 祥 lành; cát lợi; tốt lành; may mắn
    Nhã – 雅 Thanh nhã, tao nhã
    Vi – 為 sáng tạo

    Tên tiếng anh là Vivian: Tên này mang ý nghĩa về sự hoạt bát, năng động và đầy sức sống.

    Mình cũng viết cái app này để hỗ trợ việc đặt tên con https://name-creations.vercel.app

  • Nhớ những kỷ niệm về cây ăng-ten và chuyện nghe nhìn ngày trước 

    Nhớ những kỷ niệm về cây ăng-ten và chuyện nghe nhìn ngày trước 

    “Quay qua trái chút xíu. Chưa trong ba ơi, qua phải chút xíu đi!” Đó là những câu nói quen thuộc thân thương ngày trước…

    Đi trên đường bây giờ, người ta không còn nhìn thấy những “cây ăng ten” bắt sóng tivi trên nóc nhà như chỉ cách đây hơn chục năm về trước. Bỗng giật mình nhận ra, có những thứ tưởng chừng như gắn bó mãi mãi với cuộc sống đã thực sự không còn.

    Thời gian thay đổi nhiều quá, nhiều thứ mới mẻ được tạo ra và cũng nhiều thứ dần biến mất. Nhưng khác với những điều mới mẻ, dễ dàng được phát hiện, thì có những thứ cứ lặng lẽ biến mất từng ngày. Những thứ đã một thời gắn bó như là một phần của cuộc sống.

    Rồi thắc mắc không biết ta đã rời khỏi những điều gần gũi ấy, từ khi nào, mà ta chẳng biết?…

    Và bây giờ, nhà nào cũng có cáp, có mạng, với phẩm chất và hình ảnh ổn định rất đẹp. Nhưng có ai còn nhớ những năm 80 của thế kỷ trước với những “cột thu sóng” bằng những chiếc ăng ten râu, ăng ten giàn buộc vào thân cây tre, dựng trên nóc nhà? Có khi làm bằng thanh nhôm, thậm chí là niềng xe cũng được tận dụng tuốt.

    Chỉ cách đây chưa đầy chục năm, vẫn thấy trên nóc nhà thỉnh thoảng vẫn còn những “trạm” ăng ten xiêu vẹo… Thậm chí, ngày xưa khi xây nhà, người ta bao giờ cũng phải thiết kế thêm một cái cột để dựng ăng ten, như một phần trong cấu trúc ngôi nhà vậy.

    Nhớ lúc nhỏ, nhà nghèo không có tivi, chị em tôi phải chạy sang nhà hàng xóm xem. Mỗi lần nhà đài mất sóng hoặc đài mình muốn xem chớp chớp, thì tôi tình nguyện chạy ra hè xoay cây ăng-ten để lấy sóng. Tôi nhớ hồi đó nhà nào có tivi đều gắn ăng ten. Ăng-ten được cố định trên cây tre cao cả chục mét.

    Hồi đó câu hỏi mà hầu hết những đứa trẻ được phân công xoay ăng-ten như chúng tôi đều sử dụng là ‘trong chưa, trong chưa?’. Câu hỏi không có chủ ngữ nhưng đầy đủ ý nghĩa.

    Rồi có khi mất điện cả xóm lại kéo sang nhà bác Ba xem tivi vì nhà này có tivi đen trắng xem được bằng bình ắc quy. Hai cha con bác loay hoay, cha thì đấu điện con thì xoay cái ăng ten bằng niềng xe đạp chỉ để phục vụ bà con.

    Có nhà do khoảng cách từ cột ăng ten tới tivi khá xa nên mỗi khi “triển khai” kỹ thuật điều chỉnh sóng thì phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ 3 người trở lên, nào là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu…

    Chuyện “đi coi” tivi ngày trước

    Nghĩ cũng lạ, bây giờ ai cũng nói là “ngồi coi tivi” chứ chẳng ai nói “đi coi tivi” như ngày trước. Nhưng chuyện đi coi tivi gần như là một nhu cầu “giải trí” không thể thiếu thuở đó.

    Có lần về Nội tuốt miền xa vào dịp Tết mà nhà Nội lại chẳng có tivi. Chị em tôi phải đánh đuốc đi xa cả cây số lên xóm trên “coi cọp”. Đuốc làm bằng cỏ khô, rơm hay có khi là lá dừa nước… nói chung cái gì dễ cháy là làm được đuốc cả.

    Có ai đốt đuốc đi đêm rồi mới biết cái khổ của tàn đuốc bay khắp mặt mũi, có khi tàn chưa kịp nguội sẽ gây phỏng là lẽ thường. Mấy chị em tôi ốm tong teo chứ mỗi khi đi là phải ôm cả 5-6 bó đuốc rất khổ sở, chưa kể là phải ôm cho đủ đuốc cho chuyến đi 2 chiều. Ngán ngẫm lắm.

    Cực là cực vậy nhưng mà được cái vui bởi nhà nào mà có tivi thì y như rằng sẽ đông như “gánh hát”… nào trẻ con, người lớn, buôn bán đủ thứ, ồn ào không thể tả. Ấy vậy mà tới khi chương trình bắt đầu thì ai nấy cũng trật tự, giữ yên lặng rất là quy củ chẳng khác nào là cái đội quân thu nhỏ. Hình như đó trở thành một cái văn hoá lúc nào không ai biết, văn hoá “xem tivi” chăng?

    Được cái tivi thời đó không có nhiều quảng cáo như bây giờ, thành thử mỗi lần “quảng cáo lên” là mấy ông lớn, bà lớn tranh thủ đi vệ sinh hay cho con bú, còn tụi nhỏ chúng tôi thì tập trung coi quảng cáo. Đám con nít tôi mê quảng cáo lắm, hôm nào có quảng cáo mới là vui không thể tả, cố gắng học thuộc lòng quảng cáo nhanh nhất có thể.

    Có hôm mưa bão, gia chủ phải đội nón đứng vịn cây ăng-ten để bà con an tâm mà thưởng thức, thấy cưng lắm.

    Dần dần rồi nhà nào cũng có tivi, ăng-ten trên nóc nhà cứ thế mà chằng chịt cả bầu trời, có nhà còn có cả mấy cột ăng-ten để phục vụ nhiều nhu cầu riêng của các thành viên trong gia đình. Bởi có người thích coi đài A thì quay hướng Đông-Nam, có người thích coi đài B thì xoay ăng-ten theo hướng chánh Nam. Dạo ấy ăng-ten nhiều vô kể, nhiều đến độ mấy con chim chẳng buồn làm tổ trên cây như thông lệ mà cứ đè mấy cây ăng-ten ra mà xây tổ, đẻ trứng vào đấy. Nhờ vậy mà có khi gia chủ có trứng ăn đỡ ghiền.

    Và rồi chiếc ăng ten, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, và biến mất như một điều tất yếu.

    Công nghệ đã giúp cuộc sống của chúng ta trở nên thoải mái, dễ dàng hơn, nhưng những giá trị về mặt tình cảm của thời đại mà người ta gọi là analog chắc bây giờ khó có thể so sánh. Cảm xúc khi nhận điện thư từ người yêu làm sao bì được khi cầm trên tay những bức thư còn mùi thơm của giấy và lem luốc của bút mực?

    Đường sá hôm nay đã đẹp hơn rất nhiều, lề đường đã rộng rãi, phẳng phiu hơn; đã không còn những mái nhà với cột ăng ten ngả nghiêng theo từng cơn gió nhưng vẫn còn đây lắm tình cảm thân thương và hoài niệm về chiếc ăng ten một thuở./.

  • Lá thư mùa Xuân

    Lá thư mùa Xuân

    Chiều!

    …và chiều nào cũng như nhau cả, vẫn con đường quen thuộc đến phai màu, nó đưa anh đi-lại trong một chuỗi tuần hoàn của công việc. Cũng chừng ấy hoang vắng trong tâm tưởng mà lắm lúc anh ngỡ mình đang lái xe giữa cái thành phố êm đềm lưa thưa sự sống…

    Con đường anh về thật đẹp! có những căn nhà nằm chênh vênh ở một triền dốc cùng với ánh nắng chiều dịu ngọt như muốn làm cho mây gió chựng lại. Anh mê mẩn đến độ muốn dừng ngay lại giữa cao tốc vội vã ấy mà hít một hơi thật sâu… tận hưởng cái mùi hương cỏ người ta mới cắt vẫn còn thơm nức ở vệ đường.

    Radio hôm nay người ta bật bản “Bây giờ tháng mấy” của Từ Công Phụng – trùng hợp và thiết tha quá, anh chuyển vội vào lane trong cùng để chạy chậm hơn và chỉnh volume máy hát thật lớn:

    Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
    Anh đi tìm mùa Xuân trên đời
    Mùa Đông chết đi rồi mùa Xuân mắt em đẹp trời sao
    Cho mình thương nhớ nhau.

    Cũng không phải bây giờ anh mới cảm thấy vẻ đẹp của hoang vắng và thuộc lòng vẻ buồn nơi đây. Những ngày đầu ở đây anh ngỡ là mình vừa lạc vào chốn hoang đảo xa xăm lạ lẫm, mà càng đi càng cố tìm lối thoát thì lại càng rơi vào những bất lực và vô vọng to tát hơn. Càng cố vùng vẫy thì càng bị siết lại…

    Bây giờ tháng mấy?

    Bên Việt Nam giờ đã chớm Tết, anh thấy có vài người đăng ảnh tảo mộ cùng gia đình thật quý báu và ấm áp. Cái “mùi” Tết Việt đâu nó xộc trong cổ họng khiến anh thấy phấn khởi lắm dù rằng bên này tuyết đang rơi và mưa trắng đục cả tứ phía.

    Này là mùa mà nam thanh nữ tú diện lắm áo quần, nhà cửa tươm tất, sum vầy họ hàng… đâu đâu cũng đầy ắp màu vàng-đỏ hân hoan, rộn rã lắm.

    “Dập dìu tài tử giai nhân,
    Ngựa xe như­ nước áo quần như­ nêm.
    Ngổn ngang gò đống kéo lên,
    Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay” – (Nguyễn Du)

    Ở đây!

    Những buổi chiều có chăng chỉ là những tiếng gió, tiếng rì rào của những bụi cỏ va vào nhau. Thỉnh thoảng có tiếng còi tàu rú gầm lên thật ảm đạm và lôi kéo hoài niệm. Nói như vậy không phải nơi đây yên ắng hay chán chường mà có lẽ những sự tưng bừng phồn hoa kia không đủ lấn át nổi sự yên tĩnh và vô vi trong anh.

    Ở đây không có hoa Mai, không có hoa Đào trang điểm trần ai…

    Nắng vàng lại dịu đi mà cơn gió cũng bắt đầu ngưng thở. Radio lại cho anh nghe thêm một chút ngân và tên em dìu anh thả gần cuối đoạn dốc…

    Yêu nhớ về em!

    Từ Fort Worth, Texas, Hoa Kỳ

  • Lá thư mùa Thu

    Lá thư mùa Thu

    Ráng chiều!!!

    Ráng chiều mùa này không còn là những vệt tím, dãy cam đan xen vào nhau nữa! Cũng hiếm khi là mấy tản mây ngơ ngác, lững thững, vô vi ngày nào…

    Tiếng còi tàu vọng vang giữa chập chờn, yên ắng đã không còn khiến con người ta hãi hùng, phẫn nộ như trước nữa! Lũ kiến vẫn đang cuống cuồng lạc lối nhau bởi mấy tấm màng sương rét mướt đương đoạ đày, ghì chặt lên mấy bước chân nhỏ bé thất thần, tội nghiệp…

    Mà em ơi,
    Thu về…
    mấy dấu cô liêu?!

    Con phố nơi anh sống đẹp vô ngần, láng nháng những căn nhà thưa thớt trầm mình dưới dãy đồi xanh um mà bịt bùng trong tầm mắt. Xa xa là mấy nhánh sông chợt rạng ngời và óng ánh đến say lòng.

    Sông xứ này sao lắm kiêu sa và trập trùng quá đỗi? Tưởng chừng như sự ơ thờ của lồng lộng chỉ có ở lòng người đang khắc khoải bởi chia phôi chất chồng lên năm tháng… thì mấy khúc sông dài ngoằn mà móp méo nơi đây cũng có khác gì mấy!

    Thỉnh thoảng có mấy con ong rừng lò mò với đôi cánh ướt nhẹp bởi sương-tuyết làm xao động những lặng lẽ vốn dĩ đã ngăn nắp, nền nếp bấy lâu…

    Thôi thì,
    mai mải ở nơi đây!

    Vắng em, anh chỉ muốn làm người chăn cừu để mỗi chiều trở về trong tiếng lục lạc hân hoan, đùa vui với bóng mình dưới ánh nắng vàng tinh nghịch… để vơi bớt cho những tháng ngày mong mỏi, để những nhớ thương chất ngất cũng nhạt nhoà đi mỗi khi đêm về!

    Làm sao giữ nổi một ngày vui cho mình trong những xô bồ, hỗn tạp đang lũ lượt kéo về? Anh sẽ đày ải mình vội vã hơn, cuồng si thêm từng phút một chăng? hay vẫn miệt mài mà kiếm tìm những cái tên thật kiêu sa cho mấy ngọn đồi thiên cổ quẩn quanh đây?!? Anh cũng không biết nữa!!!

    Anh chợt nghiệm ra rằng mình có thể đưa thời gian trôi nhanh thêm bằng cách tua đi tua lại mấy giai điệu bồi hồi mà nhiều lắm những gian nan.

    Qua dầm dề mưa tuyết
    Mới vui ngày nắng về
    Có một thời khóc than
    Mới hiểu đời đá vàng!!!

    Thật vậy, lần mò qua mấy vách sầu mà chộn rộn với cô liêu chợt thấy mình bỗng xa xưa hơn hẳn…

    Nếu đếm những cánh lá thu rơi bên vạn ánh sao trời là nỗi nhớ… thì nơi đây bình minh vẫn chưa đến được bao lần mà lá thì cứ mãi rụng rơi trên mấy vạt gió vô tình đầy phẫn uất, mặc cho dòng trôi dạt khắp muôn phương…

    Và em ơi!

    Chiếc lá thu, chiếc lá cuối cùng cũng đã rụng rơi trong niềm vui thoả… khép lại quãng đời đầy xôn xao trên mấy mùa xanh biếc đã từng!

    Nhưng mùa Xuân rồi cũng sẽ sớm đến thôi phải không em? Anh sẽ thôi phải tất tả rong đuổi với đám cừu mỗi khi trời chạng vạng!

    Lá xanh sẽ lại về trên mấy cành khô mong đợi, mà ráng chiều rồi sẽ đầy ắp những… đan xen.

    Yêu nhớ về em

    Ý NHIÊN

    Fort Worth 11/2021